Việc thành lập công ty FDI trong khu chế xuất không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Khu chế xuất, với những ưu đãi độc đáo, đã cung cấp một môi trường lý tưởng cho các doanh nghiệp quốc tế mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Do đó, từ việc tìm hiểu thị trường, xác định ngách sản phẩm cho đến việc xử lý thủ tục pháp lý và xây dựng cơ sở hạ tầng, quy trình thành lập doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất đòi hỏi sự tập trung, kiên nhẫn và hiểu biết sâu rộng về quy định pháp luật cũng như thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam. Trong bài viết này, Siglaw sẽ cung cấp cho Quý khách hàng quy trình cụ thể để đầu tư thành lập công ty có vốn nước ngoài trong khu chế xuất.
Quy trình thủ tục thành lập công ty FDI trong khu chế xuất
So với việc thực hiện dự án đầu tư có vốn nước ngoài thông thường thì thực hiện dự án đầu tư có vốn nước ngoài trong khu chế xuất có một chút khác biệt do các nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Quy trình thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất được thực hiện như sau:
Bước 1: Đăng ký chấp thuận chủ trương đầu tư
Tùy thuộc vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài mà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 2: Đăng ký đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ sau cho Ban quản lý khu chế xuất:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất;
- Đề xuất dự án đầu tư. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao;
- Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
- Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức;
- Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhà đầu tư nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ban quản lý khu chế xuất cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp thì phải có văn bản giải trình nên rõ lý do.
Bước 3: Hồ sơ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thành lập doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất. Hồ sơ mở công ty có vốn nước ngoài bao gồm các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất;
- Điều lệ công ty;
- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Danh sách thành viên (đối với Công ty hợp danh, Công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc Danh sách cổ đông sáng lập (đối với Công ty cổ phần);
- Bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý cá nhân của người đại diện theo pháp luật, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập; giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên/cổ đông là tổ chức;
- Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
- Các giấy tờ khác tùy từng trường hợp cụ thể.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp thì phải có văn bản giải trình và nêu rõ lý do.
Bước 4: Khắc con dấu pháp nhân
Sau khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất, doanh nghiệp thực hiện việc khắc con dấu và tự quyết định về số lượng, mẫu dấu.
Bước 5: Thực hiện các thủ tục sau khi thành lập công ty FDI trong khu chế xuất
Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài trong khu chế xuất, nhà đầu tư cần lưu ý thực hiện các công việc:
- Treo biển tại trụ sở chính;
- Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế;
- Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp;
- Đăng ký chữ ký số điện tử để nộp thuế;
- Kê khai và nộp thuế môn bài;
- Phát hành hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu cần xây dựng xưởng sản xuất, nhà máy, lắp đặt máy móc, thiết bị, chuẩn bị khu nhà cho công nhân viên… và đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với doanh nghiệp chế xuất quy định trong nghị định 35/2022/NĐ-CP.
Cơ sở pháp lý
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư;
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Xem thêm: Dịch vụ Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của công ty luật siglaw.