Các bệnh viện tại Nhật Bản vẫn hoạt động hết công suất nhưng covid 19 đã làm sự hoạt động này khó khăn hơn và mọi người đã phải nghĩ tới phương pháp thay thế mới.
Một ngày tháng 6, các bác sĩ mặc đồng phục xanh, blouse trắng ngồi trong phòng họp bệnh viện Seibu, cùng nhìn vào thuyết trình được chiếu lên tấm phông tường.
“Ai mà nhớ được những thứ này chứ?”, một bác sĩ ngồi ở cuối phòng nói khi Yoshihiro Masui, giám đốc trung tâm chăm sóc tích cực của bệnh viện tại thành phố Yokohama, kiểm tra các slide thuyết trình.
Bài thuyết trình, với rất nhiều biểu đồ màu sắc sặc sỡ, nêu ra hàng chục giao thức an toàn mới có thể được áp dụng tại bệnh viện, từ phẫu thuật thông thường đến lọc máu.
Vài tuần trước, Seibu là một trong những ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất Nhật Bản, với khoảng 80 ca nhiễm, 43 người là nhân viên bệnh viện. Khi bệnh viện kiểm soát được dịch bệnh, 13 bệnh nhân cao tuổi đã tử vong vì nCoV.
Trong hầu hết tháng 5, bệnh viện với 500 giường tại thành phố cảng Yokohama, cách thủ đô Tokyo khoảng 30 km về phía nam này gần như trống rỗng. Sau dịch, họ ngừng đa số dịch vụ ngoại trú. Bác sĩ và y tế được yêu cầu cách ly hai tuần tại nhà, theo dõi các triệu chứng trước khi quay trở lại làm việc.
Giờ đây, khi Nhật Bản bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, các bệnh viện như Seibu lại đối mặt với nhiệm vụ không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
“Chúng ta không thể đối mặt với dịch bệnh mà chúng ta vừa trải qua một lần nữa”, Masui, bác sĩ cấp cứu phụ trách các phản ứng của bệnh viện trước Covid-19, cho hay.
Y bác sĩ tại bệnh viện Seibu là những người đầu tiên được điều động khi dịch bùng lên ở Nhật. Họ tiếp nhận điều trị những hành khách trên du thuyền nhiễm nCoV Diamond Princess hồi tháng hai.
Sau khi điều trị cho hàng chục bệnh nhân, một bệnh nhân không sốt và không có bất kỳ triệu chứng nhiễm nCoV nào khác được đưa tới bệnh viện Senbu hồi đầu tháng 4 do gặp tai nạn. Người này được phân ở cùng một bệnh nhân khác trước khi chuyển khoa. Đến cuối tháng 4, lúc bệnh viện biết bệnh nhân không triệu chứng kia nhiễm nCoV, virus đã kịp lan khắp các khoa.
Masui nói ông thấy mình phải chịu trách nhiệm vì khiến dịch bùng phát tại bệnh viện.
“Tôi đã thúc giục bệnh viện nhận những bệnh nhân nghi nhiễm nCoV dù biết các bệnh viện khác quay lưng với họ”, ông chia sẻ. “Tôi là người thuyết phục lãnh đạo bệnh viện tiếp nhận họ”.
Nhật Bản đến nay ghi nhận hơn 18.500 ca nhiễm nCoV và gần 1.000 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới đã giảm mạnh từ giữa tháng 4.
Nhưng với đội ngũ nhân viên y tế, nguy cơ một đợt dịch mới bùng phát vẫn là mối đe dọa thường trực. Báo Mainichi cho hay 99 cơ sở y tế Nhật Bản đã báo cáo có ca nhiễm nCoV.
Những biện pháp phòng ngừa đảm bảo an toàn mới nhằm chống lại virus có thể khiến các biện pháp cứu sống bệnh nhân trở nên khó khăn hơn.
Kentaro Sato, 29 tuổi, bác sĩ cấp cứu và tai nạn, đã dành hai tuần cách ly tại nhà sau khi anh hồi sức cho một đứa trẻ bị ngưng tim đột ngột.
“Tôi biết mình phải mặc trang bị bảo hộ trước nhưng trong lúc cấp bách tôi nghĩ, đây là một đứa trẻ, tôi phải làm gì đó để giúp nó”, Sato nói. Anh sau đó được biết bệnh nhân bị sốt và nghi ngờ nhiễm nCoV. Trước khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính, Sato đã dằn vặt suốt nhiều ngày vì lo sợ mình sẽ lây nhiễm virus cho các đồng nghiệp và bệnh nhân khác.
Nhiều tháng trước khi dịch bùng lên tại Seibu, bệnh viện này đã tiếp nhận bệnh nhân bị những bệnh viện khác từ chối hoặc chuyển đi. Có lần, Seibu tiếp nhận cả một bệnh nhân nhiễm nCoV từng bị gần 100 bệnh viện ở Tokyo từ chối, theo Fumiaki Sano, phó giám đốc bệnh viện.
“Giờ đây, tôi tự hỏi có phải chúng tôi đã nhận quá nhiều bệnh nhân không”, bác sĩ Sano cho hay. Sau khi tin bệnh viện bị bùng dịch được lan truyền, Seibu đã nhận hàng loạt cuộc gọi đầy giận dữ từ các cơ sở kinh doanh lân cận. Một số y tá bị hàng xóm xa lánh vì chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.
Từ khi mở cửa trở lại vào ngày 8/6, bệnh viện Seibu đón khoảng 450 bệnh nhân mỗi ngày. Bất kỳ ai phải lưu lại bệnh viện qua đêm đều được xét nghiệm nCoV và đưa tới khu vực riêng biệt. Bệnh viện chỉ nhận 60 bệnh nhân một lúc nhằm giữ cho các hành lang luôn vắng vẻ.
“Chúng tôi không thể duy trì hoạt động nếu cứ như thế này”, Sano cho biết và thêm rằng bệnh viện đã mất hơn nửa doanh thu từ dịch vụ ngoại trú trong tháng 5.
Tại cổng vào bệnh viện, những bệnh nhân cao tuổi xếp hàng chờ đợi để được đo nhiệt độ cơ thể. Nhân viên bệnh viện đeo tấm chắn giọt bắn, khẩu trang và găng tay cao su túc trực tại những cánh cửa tự động, yêu cầu bệnh nhân trả lời các câu hỏi khảo sát trước khi cho họ vào.
Bên trong, tấm bảng thông báo tại hành lang tối tăm của bệnh viện gắn lá thư phó giám đốc Sano gửi tới các nhân viên.
“Tôi chắc rằng rất nhiều người trong các bạn, giống như tôi, đang cảm thấy đau khổ, lo lắng, hối hận và giận dữ”, ông viết. “Nhưng chúng ta vẫn có những bệnh nhân chờ chúng ta mở cửa trở lại và chúng ta có nghĩa vụ mang đến những dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết cho cộng đồng”.