“Con dù lớn vẫn là con của mẹ – Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Dù thế nào đi chăng nữa thì cha mẹ sẽ vẫn bao bọc che chở cho con mình đến khi hết khả năng. Vì thế theo lẽ đương nhiên việc con cái làm sai thì cha mẹ luôn phải chịu. Vậy trong trường hợp con vay tiền thì cha mẹ có phải chịu thay hay không? Việc đó có được pháp luật cho phép hay không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X để giải quyết vấn đề này.
Căn cứ:
- Bộ luật Dân sự 2015
Nội dung tư vấn
1. Định nghĩa hợp đồng vay tài sản.
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản được định nghĩa như sau:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, các cá nhân có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự thì sẽ có điều kiện thực hiện giao dịch dân sự nói trên, mà cụ thể ở đây là vay tiền từ người khác.
Năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 16 Bộ luật dân sư như sau:
Điều 16. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Còn năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 19 cũng trong Bộ luật trên được hiểu:
Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Từ đó, ta thấy, con cái có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và hành vi dân sự thì có thể xác lập giao dịch vay tiền. Tuy nhiên, cha mẹ có chịu trách nhiệm về khoản nợ của con hay không còn tùy thuộc vào mức độ năng lực hành vi của đứa con, chi tiết cụ thể sẽ được trình bày ngay sau đây.
2. Đối tượng chịu trách nhiệm trả nợ
Như đã phân tích, tùy thuộc vào mức độ năng lực hành vi của con để xác định xem con có thể tự mình xác lập giao dịch dân sự không. Cụ thể, theo Bộ luật dân sự 2015 có thể chia thành 4 cấp độ:
– Người chưa đủ 06 tuổi:
Các giao dịch dân sự của người chưa đủ 06 tuổi do người đại diện của người đó xác lập, thực hiện.
– Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi:
Được tự thực hiện các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Các giao dịch khác, chỉ được xác lập, thực hiện nếu người đại diện theo pháp luật đồng ý.
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi:
Được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.
Riêng các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch khác theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên:
Đây là người có hành vi dân sự đầy đủ, được tự mình xác lập và thực hiện mọi giao dịch dân sự.
Cơ sở pháp lý:
Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.”
“Điều 21. Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Riêng đối với trường hợp, người mất năng lực hành vi dân sự; người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay hạn chế năng lực hành vi dân sự thì giao dịch dân sự của người này sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.
Từ các quy định trên, có thể khẳng định: con đã đủ 15 tuổi trở lên vay tiền thì cha mẹ không có nghĩa vụ phải trả nợ thay, nghĩa vụ này thuộc về người con, trừ khi cha mẹ tự nguyện trả nợ thay cho con. Còn nếu con chưa đủ 15 tuổi hay rơi vào các trường hợp mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hay khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, các giao dịch đều phải do cha mẹ (người đại diện theo pháp luật) xác lập, thực hiện hoặc được sự đồng ý của cha mẹ.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!